Trong khoảng lặng bất chợt tràn về, chợt bâng khuâng nỗi nhớ về một vùng quê nghèo nhưng sâu nặng nghĩa tình, và nỗi nhớ ấy cứ lớn dần lên theo năm tháng.
Quê nhà ! Hai tiếng thân thương mà mỗi khi cất lên ta nghe da diết lòng.
Quê nhà là nơi ta sinh ra và lớn lên từng ngày, là nơi cất giữ bao kỷ niệm tươi đẹp thời ấu thơ. Chắc hẳn quê nhà trong tâm khảm mỗi người là những gì đẹp nhất, thiêng liêng, gần gũi nhất.
Quê nhà trong mỗi người mang một hình dáng khác nhau. Có khi quê nhà hiện lên trong tiếng ầu ơ buổi ban trưa bên cánh võng ngoài bờ tre, mái hiên của mẹ, trong những câu chuyện cổ tích ngày xưa mà ông, bà đã kể ta nghe, có khi là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, là bến nước, con đò, là hàng dừa xanh nghiêng mình soi bóng xuống dòng kênh trong xanh, là dòng sông chở nặng phù sa màu mỡ cho cánh đồng lúa quê mình…
Cái mà tôi nhớ nhất chính là hình ảnh khói bếp buổi ban chiều của ngày sắp tắt, nhiều người hay gọi “khói lam chiều”. Qua làn khói lam chiều, tất cả đều hiện lên mờ mờ, ảo ảo, bình yên đến cháy lòng. Tôi nhớ làm sao mùi của đất sau những cơn mưa đầu mùa. Ôi cái mùi quê hương, cái mùi của một vùng quê nghèo bình dị, mùi khói bếp ấy làm cho nhiều người đi xa quê vẫn nhớ, vẫn muốn quay về. Nhớ làm sao mùi thơm của rơm rạ mới vào mùa, cái hương thơm ấy không lẫn vào đâu được.
Đã xa lắm rồi cái thời cùng lũ bạn ngồi vắt vẻo trên mình trâu, dắt chúng về chuồng khi bóng chiều nhá nhem tối. Từ trên triền đê phóng tầm mắt về phía sau hè nhà, từng dải khói màu lam, màu xám nhạt trùm lên những mái bếp thâm nâu, vương trên dãy cây ăn trái khiến cảnh làng quê lúc chiều tà mang vẻ đẹp mơ màng và thoáng gợi buồn. Bọn trẻ chúng tôi ngồi trên lưng trâu và hình dung trong chái bếp nhỏ, lửa đã được nhúm lên và lòng đầy háo hức, tưởng tượng ra bữa cơm chiều với những món ngon sẽ được bà, được mẹ nấu cho ăn. Những làn khói ngày ấy đối với chúng tôi thân thuộc đến nỗi chỉ ngửi mùi khói, chúng tôi phân biệt được hương cơm nếp, bắp luộc thơm lừng, hay mùi cá kho quẹt…
Không ai được tắm hai lần trên một dòng sông và dòng đời cũng thế, đã qua đi là không bao giờ trở lại, mỗi lần về nhà, nhìn mái tóc cha ngày thêm nhiều sợi bạc, trán mẹ đã nhiều vết chân chim mới thấy, thoáng đó mà mấy chục năm rồi thì lúc này ý thức về cội nguồn và niềm thương nỗi nhớ về quê nhà, về nơi chôn nhau cắt rốn bỗng trở nên tha thiết hơn bao giờ hết.
Niềm thương ấy nó canh cánh, thường trực và nó đi vào cõi lòng sâu thẳm những đêm dài trăn trở thành nỗi khắc khoải khôn cùng. Quê nhà là vậy đó mỗi khi đi xa nhà, ai cũng thương cũng nhớ trở thành nỗi niềm đau đáu, day dứt không nguôi.
Quê tôi giờ vẫn còn nghèo khó và cơ cực lắm. Những con người quê tôi chân lấm tay bùn quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, miệt mài làm ra hạt lúa, củ khoai, con cá…
Đi qua những xuôi ngược của cuộc đời, những cuộc tranh đấu hàng ngày với chuyện cơm, áo, gạo, tiền, khi có dịp ngồi lại trước mái hiên nhà mà ngẫm nghĩ, mới thấy những ký ức hồn nhiên khi xưa là ngòi châm, tiếp thêm sức cho đôi chân ta bước tới, để vui cười và trân trọng cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn phía trước.
Quê nhà tôi là thế, mộc mạc, đơn sơ nhưng chứa chan nghĩa tình. Nơi đây không những là cái nôi của tuổi thơ tôi mà còn là nơi nuôi lớn những con người cần cù lao động, chịu thương chịu khó với công việc đồng áng. Nhớ về quê nhà, làm cho ta càng tự hào mình là một người con của đồng quê, khổ cực dạy ta khôn, tiếng ru bên nôi nuôi tâm hồn ta lớn.
Trả lời